Nguồn gốc, ý nghĩa cây nêu ngày Tết và cách làm rước tài lộc vào nhà

Bánh chưng xanh, cành mai vàng, câu đối đỏ, cây nêu ngày Tết,… là những phẩm vật không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bánh chưng, cành mai, câu đối thì có lẽ nhiều người sẽ biết nhưng nhắc đến cây nêu thì không phải ai cũng biết vì ngày nay tục dựng cây nêu đã dần bị mai một. Vậy ý nghĩa cây nêu ngày Tết là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cây nêu ngày Tết là gì?

>>>Tham khảo thêm:

Cây nêu ngày Tết được làm từ cây tre già cao nhất, phần ngọn còn nguyên lá
Cây nêu ngày Tết được làm từ cây tre già cao nhất, phần ngọn còn nguyên lá

Cây nêu được làm từ những cây tre cao đã nhặt hết lá, chỉ giữ lại nguyên phần lá ở ngọn cây. Dưới gốc cây sẽ rắc vôi bột trắng hình cánh cung hướng ra bên ngoài nhà. Ở mỗi vùng miền khác nhau sẽ có cách trang trí cây nêu ngày Tết khác nhau. 

Mỗi vật trang trí lên cây sẽ có một ý nghĩa nhất định, nếu không phải bảo vệ gia hoà bình an, yên ấm thì cũng là cầu may, tài lộc, sung túc. Một ví dụ cụ thể là cái khánh là biểu trưng cho những điều tốt lành, lông gà là biểu tượng cho sự bình an, lá dứa dùng để trừ tà hoặc tiền vàng mã để cầu tài lộc. 

Nguồn gốc và ý nghĩa cây nêu ngày Tết Việt Nam

Hình ảnh cây nêu ngày Tết quá đỗi quen thuộc đối với những dịp Tết cổ truyền thời xưa. Tuy nhiên, về nguồn gốc và ý nghĩa của loài cây này thì ít ai biết đến. 

Ý nghĩa của cây nêu ngày Tết

Ý nghĩa của cây nêu ngày Tết
Ý nghĩa của cây nêu ngày Tết

Tết là thời khắc thần linh phải về chầu trời nên rất dễ bị ác quỷ xâm nhập, quấy phá nên cần phải có vật bảo hộ như cây nêu để chống lại chúng. Bên cạnh ý nghĩa xua đuổi tà ma quỷ dữ, cây nêu ngày Tết còn mang ý nghĩa mong cầu một năm mới hanh thông thuận lợi, mùa màng tươi tốt, quốc thái an dân. 

Ngoài ra, cây nêu còn được trang trí thêm những đồ vật khác và cũng mang ý nghĩa không kém như: Cây tre là biểu tượng của vật dương, lọng tàn hình tròn là biểu tượng của vật âm. Trong đó, lọng tàn có 5 con cá chép với 5 màu khác nhau đại diện cho ngũ hành: Màu vàng nằm giữa, màu trắng ở phía Nam, màu đen phía Bắc, màu xanh phía Đông và màu đỏ phía Tây. 

Sự tích cây nêu ngày Tết

Từ thời xưa, khi mà loài quỷ còn hoành hành, chúng đã chiếm hết mọi đất đai, ruộng vườn nên loài người phải thuê đất từ chúng để trồng trọt để cống nạp cho chúng. Loài quỷ ra điều kiện rằng chúng sẽ lấy ngọn còn con người sẽ lấy thân và gốc. Bấy giờ, lương thực chủ yếu là lúa nên gần như người dân không có lương thực để sống. 

Vì thấy loài người đang gặp khó khăn, Phật Tổ xuất hiện trong hình hài ông lão và bảo với người dân hãy trồng khoai vì củ ở gốc rễ nên có thể ăn được. Mọi chuyện đến tai bọn quỷ, chúng lại đổi sang phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại bảo người dân chuyển sang trồng lúa và kết quả là quỷ chỉ nhận toàn rạ và hỏng ăn. 

Sự tích cây nêu ngày Tết
Sự tích cây nêu ngày Tết

Chúng tức tối nên mùa sau chúng lại muốn “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật lại trao cho nông dân giống cây bắp – loại lương thực chỉ có trái ở thân còn gốc và ngọn sẽ chẳng có gì. Cuối cùng, quỷ điên tiết lên và bắt con người trả lại toàn bộ đất đai và không cho trồng trọt. 

Lúc này, Phật cùng người dân đã bàn bạc với quỷ xin miếng đất chỉ vừa bằng bóng của chiếc áo treo trên ngọn cây tre, Thấy bóng chiếc áo quá nhỏ, quỷ bèn đồng ý ngay. Tuy nhiên, khi chiếc áo vừa treo lên, Phật hoá phép cho chiếc áo lớn dần, cái bóng của chiếc cũng dần lớn theo, xua đuổi bọn quỷ chạy ra biển. 

Mất đất, quỷ lại huy động lực lượng vào cướp lại, Phật chỉ người dân dùng máu chó, lá dứa, tỏi,… tấn công vì đây là những thứ quỷ rất sợ. Quỷ bại trận lại trở về biển Đông, trước khi đi, chúng xin phép Phật cho chúng trở về đất liền để thăm ông bà, tổ tiên vào những ngày đầu năm. Phật thương hại nên đã đồng ý với chúng. 

Kể từ đó, vào những ngày đầu năm, bọn quỷ lại vào thăm đất liền, người dân theo tục cũ dựng cây nêu ngày Tết trước nhà. Trên cây có treo chuông gió, khi gió thổi, tiếng chuông gió phát ra nhằm nhắc nhở bọn quỷ nhớ tới lời hẹn năm xưa mà tránh xa. 

Phong tục dựng cây nêu ngày Tết

Câu chuyện sự tích xưa về cây nêu ngày Tết đã được truyền lại cho đến ngày nay. Chính vì vậy, cây nêu trong quan niệm xưa là một biểu tượng thiêng liêng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Đây là loài cây mang nhiều ý nghĩa, vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là nơi gửi gắm một năm mới sung túc của người dân. Nếu như tục dựng gậy ông vải (2 cây mía đỏ bên bàn thờ) chính là “lối đi” của Gia tiên ngày Tết thì cây nêu được ví như “bậc thang” kết nối giữa trời và đất của Thần Linh. 

Cách làm cây nêu ngày Tết cho những ai chưa biết

Cách dựng cây nêu ngày Tết
Cách dựng cây nêu ngày Tết

Cây nêu ngày Tết là vật mang ý nghĩa tâm linh rất quan trọng trong dịp Tết Cổ truyền. Để dựng cây nêu thì không phải ai cũng biết cách. Dưới đây là cách dựng cây nêu mà bạn có thể tham khảo: 

Chuẩn bị nguyên vật liệu để làm cây nêu ngày Tết

Trước khi bắt tay vào dựng cây nêu ngày Tết, bạn cần chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:

  • Cây tre: chiều cao phải đạt từ 5-7m, nên chọn loại tre già, thẳng, có ngọn xanh mướt và không bị cụt.
  • Vật trang trí cây nêu: chuông gió, đèn lồng, câu đối Tết, cờ hội,…
  • Vật tín ngưỡng tâm linh: lá dứa, lông gà, lá đa, túi nhỏ đựng vàng mã,…
  • Một số vật hỗ trợ để dựng cây nêu: cọc tre hoặc cọc sắt, dây thừng, vôi bột,… 

Cách làm và trang trí cây nêu ngày Tết

Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, chúng ta hãy bắt tay vào dựng cây nêu ngày Tết nhé!

  • Bước 1: Đóng cọc tre hoặc cọc sắt xung quanh vị trí đất dự tính để dựng cây nêu.
  • Bước 2: Cố định cây bằng cách dùng dây thừng buộc vào cọc sắt để cho cây tre được dựng thẳng đứng và không bị ngả nghiêng. 
  • Bước 3: Phần ngọn cây có treo những đồ vật trang trí và những túi đồ tín ngưỡng có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ. 
  • Bước 4: Rắc vôi bột thành vòng tròn xung quanh gốc cây, có thể treo thêm cờ hoa, câu đối đỏ xung quanh để cây nêu trông nổi bật hơn. 

Cách dựng cây nêu ngày Tết rước lộc vào nhà và xua đuổi tà ma

Cây nêu ngày Tết là loại cây không thể thiếu vào những ngày Tết Cổ truyền từ thời xưa. Dựng cây nêu đúng cách trong ngày Tết sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma và thu hút những điều tốt lành đến với gia đình. Có thể nói, người Việt xưa xem cây nêu là trục vũ trụ, là cầu nói giữa trời và đất. 

Cây nêu đúng là phải được làm bằng tre vì tre có đốt, tượng trưng cho bậc thang đi lên của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống đất giúp đất đai phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tươi tốt. 

Về cách dựng, bạn phải chọn tre già loại to, thẳng, không cụt ngọn, trên ngọn phải để lại một phần lá tươi hoặc buộc lá dứa ở trên nhằm tượng trưng cho mây trời. Thân cây trang trí bằng các loại cờ, phướn, lồng đèn, niêu đất chứa vôi, câu đối, chuông gió,… Dưới gốc cây sẽ rắc bột vôi trắng hình vòng tròn hoặc cánh cung hướng ra cổng ngoài để xua đuổi tà ma. 

Cây nêu thường sẽ được dựng vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm bởi đây là thời điểm ông Công, ông Táo về trời, không có ai trông coi quản lý nhà cửa nên quỷ dữ sẽ lộng hành dễ dàng hơn. Chính vì vậy, cây nêu ngày Tết sẽ có tác dụng xua đuổi ma quỷ khỏi vùng đất của con người sinh sống. 

Cây nêu ngày Tết được hạ vào thời điểm nào?

Cây nêu ngày Tết thường sẽ được hạ khi vừa hết Tết. Để hạ cây nêu, bạn nên biết chính xác thời gian hạ cũng như hình thức lễ nghi Khai hạ sao cho đúng, tôn trọng nghi thức xưa. 

Thời gian hạ cây nêu ngày Tết

Chuẩn bị lễ Khai hạ để hạ cây nêu khi hết Tết
Chuẩn bị lễ Khai hạ để hạ cây nêu khi hết Tết

Cây nêu ngày Tết thường bắt đầu hạ từ ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân thường gọi đây là tục lệ Khai hạ. Trước khi hạ cây nêu, bạn cần chuẩn bị một số thứ như sau:

  • Bàn thờ nhỏ.
  • Hoa cúng và hương đốt.
  • Một ít trái cây có màu đỏ như dưa hấu, táo,… 

Gia đình sẽ tiến hành cúng bái, thắp hương để báo cáo với các thần linh và trời đất rằng gia đình đã ăn Tết suôn sẻ nên sẽ tiến hành lễ Khai hạ. Trước khi hạ cây nêu xuống, bạn cần tháo dỡ đồ trang trí và đồ vật treo trên ngọn cây. Các loại bùa sẽ được treo ở trước cổng, cây nêu khi đã khô héo và rụng hết lá thì có thể đem chặt bỏ. 

Văn khấn hạ cây nêu ngày Tết

Văn khấn hạ cây nêu ngày Tết
Văn khấn hạ cây nêu ngày Tết

Trong lễ Khai hạ, văn khấn hạ cây nêu ngày Tết là không thể thiếu trước khi bắt đầu. Nguyên văn của văn khấn hạ cây nêu như sau:

– Nam mô A-di-đà Phật (x3)

– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần

– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, Chư vị Tôn thần

– Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần. 

– Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn

Chúng con là:…………………………………………..tuổi…………………..

Hiện cư ngụ tại………………………………………………………

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh. 

Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng. 

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật (x3).

(Nguyên văn của Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hoá Thông tin).

LỜI KẾT

Cây nêu ngày Tết là hình ảnh không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền. Đây là một hình ảnh đẹp cần được gìn giữ và lưu truyền hằng năm. Qua bài viết trên, Hộp Quà Tết đã giải thích ý nghĩa của loài cây này cũng như cách dựng sao cho đúng. Mong rằng hình ảnh cây nêu sẽ luôn xuất hiện ở mỗi gia đình nhằm tạo nên nét văn hoá đặc trưng của Tết Việt.

Tác giả: Hoài Trâm

0/5 (0 Reviews)